10 CEO tệ nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô Mỹ

Ngày tạo: 31-08-2017

Sai lầm về sự quản lý trong ngành công nghiệp xe hơi thường đem lại những thiệt hại vô cùng to lớn vì đây là ngành có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đô la và một chu kỳ sản phẩm dài hơi. Vì thế, hậu quả mà nó để lại có thể kéo dài hàng chục năm sau đó.

Một nhà lãnh đạo thiếu sáng suốt sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với bất kỳ một công ty hay một tập đoàn lớn nào, điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với nền công nghiệp xe hơi. Cho đến hôm nay, lịch sử của nền công nghiệp ôtô đã ghi nhận rất nhiều vị giám đốc điều hành thành công, ví dụ như Dan Akerson của GM - luôn nổi tiếng trên báo chí với các hoạt động từ thiện của mình, hay Sergio Marchionne của Fiat-Chrysler đã làm nên điều kỳ diệu với sự trở lại của dòng xe Jeep và Alan Mulally đã thay đổi toàn bộ lịch sử phát triển của Ford.

Sùng bái một cá nhân thành công và tiếp tục những điều tốt đẹp mà họ đã làm là đúng, nhưng điều đó không còn đúng khi suy thoái diễn ra. Một CEO làm việc với hiệu suất cao thường đạt được rất nhiều thành công khi còn đương nhiệm, nhưng cũng rất dễ gây ra các hiệu ứng tiêu cực khi họ rời khỏi vị trí của mình.

Tuy nhiên, tiếp bước một người thành công vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với việc phải dọn dẹp đống đổ nát do một giám đốc điều hành tồi tạo ra. Đứng trên quan điểm đó, hãng tin CNN nước Mỹ đã bình chọn danh sách 10 CEO tồi tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô nước này.

1. Henry Ford

Chủ tịch tập đoàn Ford Motor giai đoạn 1903-1918 và 1943-1945

Được biết đến như một nhà phát minh thiên tài nhưng đồng thời Henry Ford cũng là một trong những CEO bị xếp hạng “tồi”. Trong suốt quá trình điều hành của mình, ông chưa từng tin tưởng vào bất kỳ nhân viên kế toán nào và chính vì thế ông hoàn toàn không nắm được kết quả thu chi của công ty mình trong vòng một năm là bao nhiêu. Sự cứng nhắc còn được thể hiện khi ông từ chối thay đổi phong cách cho các sản phẩm của model T, mặc dù doanh số của chúng đã tụt dốc thảm hại. Sau đó khi quyết định ra mắt model A, Henry Ford lại đột ngột dừng sản xuất 17 tháng để chuẩn bị sẵn sàng, đây là một khoảng thời gian quá lâu. GM đã lợi dụng cơ hội này để nâng cấp các thiết kế của mình và vượt qua Ford để vươn lên vị trí dẫn đầu. Sau cái chết của con trai là Edsel, Ford ngày càng khó tập trung vào việc điều hành công ty, vì thế ông từ chức và ủng hộ cháu nội của ông là Henry II lên nắm quyền.

2. K.T. Keller

Chủ tịch Chrysler Corp giai đoạn 1935-1950

Xuất thân là một thợ máy, vì thế đối với việc quản lý một tập đoàn lớn như Chrysler, Keller có những sai sót khá lớn. Sơ đồ tổ chức lúc bấy giờ của Chrysler không hề có sự kết nối giữa trung tâm của tập đoàn và các bộ phận khác, khiến họ chẳng khác nào những cỗ máy rời rạc. Đóng góp lớn nhất của Keller chỉ là việc thay đổi thiết kế ôtô với các mui xe cao hơn, vì ông cho rằng người Mỹ thích việc đội mũ khi ngồi trong chiếc xe của chính mình. Giai đoạn cầm quyền sau này, Keller đã khiến Chrysler chìm sâu vào sự lỗi thời trong nhiều thập kỷ.

3. Fred Donner

Giám đốc điều hành của General Motors giai đoạn 1958-1967

Donner đã từng nói bạn không thể có tất cả mọi thứ trong chiếc xe của mình, vì thế một chiếc ôtô chỉ là sự kết hợp tương đối của các thành tựu kỹ thuật lúc bấy giờ. Cũng vì lẽ đó thay vì sản xuất một chiếc xe hướng đến sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật, ông lại mong muốn sản xuất những chiếc xe hoàn hảo về mặt tài chính. Sự tương đối cũng là lý do khiến Donner gây ra thất bại thảm hại của Corvair trong việc cải tiến công nghệ động cơ phía sau.

4. John Z. DeLorean

Giám đốc điều hành của tập đoàn DeLorean Motor giai đoạn 1975-1982

Sau khi đầu tư 200 triệu USD vào việc sản xuất mẫu xe thể thao được chế tạo hoàn toàn bằng thép không gỉ, DeLorean đã quyết định mở một nhà máy ở bắc Ireland. Cũng ở nơi đây ông phát hiện ra rằng việc kiếm tiền dễ dàng hơn rất nhiều việc thiết kế một chiếc xe. Chi quá nhiều tiền mà không thể bán được hàng khiến cho DeLorean chìm nghỉm trong nguy cơ khủng hoảng vốn và trở thành đối tượng điều tra của FBI. Năm 1982 ông bị buộc tội âm mưu buôn lậu cocain vào Mỹ với tổng giá trị lên tới 24 triệu USD. Mặc dù sau đó ông được tuyên bố trắng án, nhưng việc công ty của ông sụp đổ là không thể tránh khỏi. Và hiện nay chúng ta chỉ còn biết đến thương hiệu DeLorean trong bộ phim Back to the Future khá nổi tiếng.

5. Roger Smith

Giám đốc điều hành của General Motors giai đoạn 1981-1990

Khi Smith nhậm chức thì GM chiếm 46% thị phần tại Mỹ, và khi ông rời đi thì con số này chỉ còn 35%. Trong quá trình đương chức của mình, ông đã lãng phí rất nhiều công sức với các nỗ lực trong việc đa dạng hóa, tự động hóa, tổ chức lại bộ máy và thử nghiệm sản phẩm mới. Và tất cả những gì Smith để lại sau khi ra đi là một đội ngũ làm việc chất lượng thấp, một người kế vị không đủ tiêu chuẩn và một núi nợ nần đã tập đoàn đến bờ vực phá sản vào năm 1992.

6. Bob Stempel

Giám đốc điều hành của General Motors giai đoạn 1990-1992

Stempel xuất thân từ quân đội và ông đến GM để giải quyết những hậu quả do Smith để lại. Nhưng những cố gắng của ông là không đủ để khắc phục những sai lầm của người tiền nhiệm. Một cuộc suy thoái sau đó đã chính thức đẩy GM đến bờ vực của sự phá sản. Stempel đã có một kế hoạch tái cơ cấu, nhưng không thể trở thành hiện thực. Trong thời gian này ông cũng đồng thời đánh mất sự tin tưởng của ban giám đốc và bộ máy của ông đã lâm vào một cuộc đảo chính lịch sử. 17 năm sau đó GM thay đổi sự cồng kềnh của bộ máy nhờ sự giúp đỡ về tài chính của chính phủ liên bang.

7. Bob Eaton

Giám đốc điều hành của Chrysler giai đoạn 1993-1998

Đồng chủ tịch DaimlerChrysler giai đoạn 1998-2000

Nửa đầu nhiệm kỳ, Eaton được coi như một vị anh hùng khi đem lại sự bùng nổ trong việc sản xuất xe tải nhẹ, với một thị trường rộng mở cho các dòng xe bán tải, xe Jeep và xe tải nhỏ của Chrysler. Nhưng ông đã gặp thất bại trong việc kết hợp Daimler-Chrysler. Eaton đã khiến cho Chrysler gần như phá sản, sau đó ông nghỉ hưu sớm và chuyển đến sinh sống tại Florida với một khối tài sản lên tới hàng chục triệu USD đầu tư vào chứng khoán. Suốt bảy năm sau đó, Chrysler bị đánh giá là vô giá trị.

8. Jürgen Schrempp

Chủ tịch của Daimler Benz giai đoạn 1995-1998

Đồng chủ tịch của DaimlerChrysler giai đoạn 1998-2000

Chủ tịch của DaimlerChrysler giai đoạn 2000-2005

Là một nhà tư tưởng lớn, Schrempp có ý định xây dựng một đế chế toàn cầu khi mua Chrysler với giá 38 tỷ USD vào năm 1998. Tuy nhiên ông chỉ là người làm tốt trong việc xây dựng kế hoạch, còn thực hiện nó lại hoàn toàn khác. Ông đã không thể tìm được tiếng nói chung với các đồng sự tại Mỹ và Đức. Chrysler tiếp tục chuỗi ngày long đong lận đận của mình. Và sau rất nhiều nỗ lực, Schrempp đột ngột từ chức, bỏ mặc Chrysler trong vô vàn khó khăn.

9. Jac Nasser

Giám đốc điều hành tập đoàn Ford Motor giai đoạn 1999-2001

Bắt tay vào tái thiết Ford sau cơn khủng hoảng dài kỳ, Nasser dồn mọi nỗ lực để thay đổi hình ảnh của tập đoàn này. Xác định sẽ chú trọng vào các dòng xe phục vụ đại đa số khách hàng, ông lựa chọn đầu tư hàng tỷ đô vào các thương hiệu mới để cạnh tranh với Volvo và Land Rover. Sử dụng mọi biện pháp để cắt giảm nhân sự đồng thời nâng cao hiệu suất công việc, ông đồng thời áp dụng một hệ thống đánh giá nhân viên vô cùng khắc nghiệt. Thật không may cho Nasser khi ông tiếp quản công ty vào thời điểm suy thoái sâu của nền kinh tế và việc sai lầm là không thể tránh khỏi.

10. Henrik Fisker

Giám đốc điều hành của Fisker Automotive giai đoạn 2009-2012

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác, Fisker đã có một kế hoạch lớn cho công ty mà ông đồng sáng lập và mơ ước của ông là sản xuất được 100 nghìn chiếc xe hơi 1 năm. Đối với Fisker việc thiết kế một chiếc xe hơi đẹp không khó, tuy nhiên ông lại gặp khó khăn với các vấn đề kỹ thuật cũng như hệ thống phụ trợ của xe. Việc cho ra đời các mẫu xe mới thất bại và dĩ nhiên công ty của ông thất thu nặng nề. Năm 2012, Fisker từ chức và người kế nhiệm ông đã phải rất vất vả trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Phan Liên

Tin tức liên quan

0933.55.44.33