Menu
Việc Toyota Việt Nam giới thiệu Hilux mới 2016 được trang bị động cơ mới và hộp số mới khiến chiếc xe càng trở nên thực dụng hơn.
Năm 2016 là năm tôi rất có duyên với “anh chàng” Hilux nhà Toyota. “Duyên” vì được cầm lái chiếc xe “phiêu” trên khắp những dẻo núi đồi Đông Bắc, được đồng hành cùng mẫu xe bán tải bền bỉ này trong hành trình mang tên “Bản lĩnh Hilux, khám phá Pù Mát”, rồi được ôm vôlăng Hilux trong chuyến đi mới nhất lên cao nguyên Mộc Châu.
3 chuyến đi, qua hơn 2.000 cây số, trải nghiệm đủ loại địa hình từ những con đường dễ thở cho đến những thử thách cam go, tôi nhận ra một điều rằng: “Đây thực sự không chỉ là chiếc xe đa dụng, tiện nghi, khả năng off-road tốt mà còn rất “lành lặn”, bền bỉ”.
Hilux là một chiếc xe thực dụng. Điều này càng trở nên đúng hơn khi mới đây, Toyota đã giới thiệu Hilux 2016 được trang bị động cơ mới và hộp số mới. Sự thay đổi này khiến chiếc xe càng trở nên mạnh mẽ hơn, vừa tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu tối ưu. Ở bài đánh giá này, tôi sẽ không bình luận nhiều về thiết kế ngoại thất, nội thất, tiện nghi bởi không có nhiều thay đổi, mà chủ yếu tập trung ghi lại cảm nhận về khả năng vận hành của chiếc xe khi mang trong mình một động cơ mới.
Toyota Hilux 2016 mới so với phiên bản 2015 không có nhiều thay đổi về cả ngoại cũng như nội thất. Và ví thử tôi là nhà hoạch định chiến lược của Toyota tại Việt Nam, tôi cũng sẽ làm như vậy. Chẳng việc gì phải thay đổi, vì vốn kiểu dáng của Hilux đã có thừa sự mạnh mẽ, cứng cáp, đúng “chất” của một chiếc xe bán tải.
Toyota Hilux 2016 gia tăng sự tiện lợi ở cả ngoại và nội thất
Nhiều lần lái thử và trải nghiệm xe Toyota, tôi phải thừa nhận, hãng xe Nhật rất biết “chiều lòng” khách hàng Việt. Mỗi khi định đưa ra một phiên bản mới, thay đổi hay nâng cấp dù lớn hay nhỏ, họ đều dành thời gian lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để đáp ứng một cách chỉn chu nhất. Toyota Hilux mới là một ví dụ.
Vì có rất nhiều lựa chọn ở thời điểm hiện tại, nên người dùng xe ở Việt Nam ngày càng trở nên khó tính hơn. Rõ ràng họ “mê” Hilux bởi tính thực dụng, nhưng thực dụng không có nghĩa là không tiện nghi. Trong khoang xe, họ vẫn cần một không gian rộng rãi, tiện ích và sang trọng như trên những chiếc xe dòng SUV hay sedan. Các kỹ sư của Toyota đã “giải bài toán khó” này bằng cách thiết kế táp-lô mở rộng sang hai bên kết hợp với điểm nhấn là các tấm ốp trang trí mạ bạc có kích thước lớn. Bản mới có nội thất màu nâu đồng độc đáo và cá tính kết hợp với chất liệu da.
Khoang xe Hilux 2016 rộng rãi, tiện ích và sang trọng như trên những chiếc xe dòng SUV hay sedan
2 đồng hồ lớn 2 bên và màn hình hiển thị đa thông tin TFT 4.2 inch màu xanh ở trung tâm giúp người lái dễ dàng quan sát các thông tin cần thiết trong suốt chuyến đi. Đầu DVD 1 đĩa, 6 loa, màn hình cảm ứng 7”, AM/FM, MP3/WMA, kết nối USB/AUX/Bluetooth là những trang bị mới đã được Toyota Việt Nam chú trọng để mang lại cho hành khách những trải nghiệm âm nhạc thú vị.
Hàng ghế trước được thiết kế vững chãi, chỉnh điện 8 hướng với khoảng điều chỉnh được gia tăng, hỗ trợ tối đa cho người lái và hành khách ngồi trước. Hành khách ngồi sau cũng sẽ trải nghiệm sự thoải mái và tiện dụng hơn bởi khoảng để chân lớn, cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau và tựa tay tích hợp giá để cốc, chiều dài đệm ngồi được gia tăng, và cửa sổ chỉnh điện.
Như tôi đã đề cập ở phần đầu bài đánh giá, sự thay đổi lớn nhất và cần phải nói đến nhiều nhất ở Hilux phiên bản mới chính là động cơ.
Động cơ 1KD-FTV của phiên bản 3.0L trước đây được thay thế bằng động cơ 1GD-FTV 2.8L, I4, DOHC; động cơ 2KD-FTV của phiên bản 2.5L trước được thay thế bằng động cơ 2GD-FTV 2.4L, I4, DOHC. Thế hệ động cơ hoàn toàn mới GD-FTV được trang bị hệ thống phun nhiên liệu trực tiếp sử dụng đường dẫn chung, turbo tăng áp kết hợp Intercooler, vì vậy, mặc dù có dung tích nhỏ hơn (2.4L và 2.8L) nhưng lại cho công suất và đặc biệt là mômen xoắn vượt trội hơn thế hệ động cơ cũ, đồng thời, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Động cơ mới của Hilux cho công suất lớn hơn giúp chiếc xe mạnh mẽ hơn nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu hơn
Công suất cực đại sản sinh ra từ động cơ mới của Hilux E 2.4L là 147 mã lực tại 3.400 vòng/phút (tăng 5 mã lực so với động cơ 2.5L của phiên bản trước), trong khi đó Hilux G 2.8L sản sinh ra 174 mã lực tại 3400 vòng/phút (tăng 13 mã lực so với động cơ 3.0L của phiên bản trước). Mô-men xoắn của Hilux mới cũng được gia tăng đáng kể: đối với Hilux E 2.4L tăng từ 343 lên 400 Nm tại 1600~2000 vòng/phút và Hilux G 2.8L (số tự động) tăng từ 360 lên 450 Nm tại 1600~2400 vòng/phút.
Nhìn vào thông số trên, rõ ràng động cơ mới cho công suất lớn hơn giúp chiếc xe mạnh mẽ hơn nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu hơn. Song, sự thay đổi trong việc sử dụng động cơ mới có tác động như thế nào tới vận hành, chúng ta hãy cùng trải nghiệm ở phần dưới đây.
Cái hay ở ngoài Bắc là có rất nhiều điểm đẹp, cung đường hay để lái thử, trải nghiệm và đánh giá xe. Dù đã đi rất nhiều lần, nhưng khi “cầm” Hilux, chúng tôi vẫn quyết định lên với cao nguyên Mộc Châu vì cung đường này đủ dài, đủ loại địa hình để thử mọi tính năng vận hành của chiếc bán tải “nhà Toyota”.
Chúng tôi vượt qua đủ loại địa hình để thử mọi tính năng vận hành của chiếc bán tải Hilux mới
Rời Hà Nội trong một buổi sáng đông đúc, điều tôi cảm nhận đầu tiên khi lái Hilux chính là khả năng “đi phố” của chiếc xe. Dù đường phố “chật như nêm” và có phần hỗn loạn nhưng xe di chuyển nhẹ nhàng, linh hoạt. Có được ưu điểm này đó là nhờ vôlăng điều khiển chính xác và nhẹ ở tốc độ chậm. Toyota đã khắc phục hạn chế ở phiên bản trước bằng cách trang bị thêm camera lùi cho bản mới. Vì thế, việc quay đầu, đỗ xe trong phố hay lùi vào cây xăng trở nên nhàn hạ hơn.
“Nếm” chút tắc đường, rồi thì chúng tôi cũng “thoát” ra khỏi thành phố từ “cửa ngõ phía Tây của thủ đô” trên đại lộ Thăng Long, nơi Hilux mới có cơ hội để thể hiện khả năng vận hành ổn định ở tốc độ cho phép 100 km/h.
Trên đại lộ Thăng Long, xe vận hành ổn định nhưng không hoàn toàn êm ái. Cảm giác của tôi khi ngồi trong cabin xe ở những km đầu tiên là chưa thực sự thoải mái. Độ ồn đã phần nào được cải thiện, tuy nhiên, với đặc thù của một động cơ dầu khi tiếng ồn đã là nhược điểm cố hữu thì Hilux không phải là ngoại lệ. Lúc tăng tốc hay chạy ở tốc độ cao, tiếng ồn vẫn vọng vào cabin khá nhiều, nhưng cũng tương tự như những mẫu xe cùng phân khúc khác, điều đó không gây quá nhiều khó chịu cho người ngồi trong xe.
Sức mạnh của xe làm việc hiệu quả khi chạy trên đường cao tốc và đường trường
Sức mạnh của xe làm việc hiệu quả khi chạy trên đường cao tốc với tốc độ ổn định 100km/h (tốc độ cho phép trên đại lộ Thăng Long). Xe dễ dàng vượt lên mà không hề cảm thấy bị đuối sức. Người lái chỉ cần nhích nhẹ chân ga là xe đã vọt lên và đạt tốc độ giới hạn cho phép. Với những người ưa sự an toàn, nhẹ nhàng, tính năng Cruise Control với Speed Limiter sẽ giúp họ tự động hạn chế tốc độ và rảnh chân ga. Tầm nhìn của xe khi ngồi sau vô-lăng cũng được tôi đánh giá là tốt.
Hết đại lộ, chúng tôi rẽ theo đường 21, qua Xuân Mai, rồi theo đường 6 lên Hòa Bình. Trên đường tỉnh lộ thưa người, xe chạy êm, đầm chắc, gầm cao nhưng không hề bị bồng bềnh khi đánh lái hay vào cua. Chúng tôi điều khiển xe liên tục di chuyển ở tốc độ 80km/h. Ở dải tốc độ này, nếu tiếp tục nhấn ga khi cần vượt xe tải, Hilux vẫn tăng tốc ấn tượng.
Qua địa phận Hòa Bình, chúng tôi “gặp” dốc Cun. Bắt đầu từ đây, đường dốc và quanh co, lên xuống chập chùng. Mỗi khi qua dốc cao, duy trì một mức chân ga nhưng hộp số tự động 5 cấp vẫn chủ động về số thấp để tăng mô-men vượt dốc mà xe không bị giật cục. Toyota Hilux tạo cảm giác an toàn qua từng khúc cua, có những đoạn vắng có thể ôm cua ở tốc độ cao, người ngồi bên ghế phụ “dán” vào cửa nhưng xe vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Cảm giác lái rất thật, sau vô-lăng của xe, người lái có thể cảm nhận được rõ từng phản hồi của mặt đường và việc điều chỉnh góc lái cực kỳ chính xác.
Suốt quãng đường từ Hà Nội, qua Hòa Bình rồi lên Mai Châu, đường khi thẳng băng, khi uốn lượn. Tôi phát hiện ra điểm mới được trang bị trên Hilux đó là tài xế có thể lựa chọn chế độ lái ECO hoặc POWER. Các chế độ này cho phép lái kiểu tiết kiệm nhiên liệu hoặc mạnh mẽ, thể thao. “Nắm” vôlăng gần 3 tiếng đồng hồ, lúc tôi và Hilux “chạm” đất Mộc Châu thì cũng chỉ mới non trưa. Còn nhiều thời gian, nên cả nhóm quyết định vào sâu trong các bản của người dân tộc Thái, Mường để khám phá.
Trên con đường đất dẫn vào bản xa, những ổ trâu, ổ gà, những đoạn đường bị xe tải đi thu mua chè “cày xới” tạo nên sống trâu lớn vẫn chưa “làm khó” được Hilux dù người ngồi bên trong liên tục bị lắc lư, “ném” từ bên nọ sang bên kia. Cầm lái chiếc Toyota Hilux, tôi nhận thấy rõ cảm giác tay lái của xe đã tốt hơn trước. Mặc dù Toyota không dùng trợ lực điện cho vôlăng mà vẫn dùng trợ lực bằng thuỷ lực nhưng hệ thống lái đã nhẹ đi nhiều so với ở dòng Hilux cũ, giúp cho việc điều khiển chiếc xe được dễ dàng hơn trên đoạn đường xấu.
Chúng tôi chọn một bãi đất trống gồ ghề cùng những hố nước lớn để thử khả năng off-road của Hilux
Đang đi, tôi thấy anh bạn ngồi bên sáng mắt lên khi trông thấy một bãi đất trống gồ ghề cùng những hố nước lớn. Địa hình thế này, tội gì mà không thử khả năng off-road của Hilux. Cần phải nhấn mạnh rằng, off-road được xem là thế mạnh của những chiếc bán tải như Hilux. Giả dụ, hệ thống cân bằng điện tử (VSC) giúp tài xế tự tin hơn khi điều khiển xe vào cua với tốc độ cao trên đường trường, thì trước địa hình sỏi đá khá phức tạp, hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động (A-TRC) đem đến cho Hilux khả năng vận hành linh hoạt. Hệ thống này vẫn hoạt động ngay cả khi điều khiển Hilux ở chế độ 2 cầu chậm L4 và khóa vi sai cầu sau.
Vừa được cải thiện về công suất và mômen xoắn nên Hilux đủ mạnh để vượt qua những dốc khá cao và trơn trượt trên đường chúng tôi đi. Xoay núm công tắc điện chuyển chế độ lái một cầu sang 2 cầu nhanh (4H), chiếc xe dễ dàng bỏ lại những đoạn đường khó đi nhất.
Khi bò lên dốc và có đoạn xuống suối, Hilux linh hoạt và mạnh mẽ nhờ có góc thoát trước và sau lớn. Cùng đó, khoảng sáng gầm xe 286 mm giúp Hilux vượt qua những con suối lớm chởm đá một cách dễ dàng. Nhờ tính năng hỗ trợ khởi động giữa dốc (HAC), chiếc xe có thể dừng lại giữa dốc khoảng 2-3 giây để sau đó tiếp tục leo lên dốc từ từ. HAC thực ra chỉ là một trong rất nhiều những tính năng an toàn được trang bị trên Hilux mới như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh BA, hệ thống cân bằng điện tử tích hợp khả năng điều khiển ổn định khi kéo moóc, hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A-TRC và hệ thống cảnh báo phanh gấp EBS.
Hilux có khả năng off-road đứng đầu phân khúc
Với sự ưu việt trong vận hành cùng việc được trang bị những hệ thống an toàn hàng đầu, Hilux đã giúp chúng tôi có một buổi trải nghiệm xe đầy thú vị mà không hề phải lo lắng xem đoạn đó xe có đi được không, có nguy hiểm không? Khi cầm lái Hilux, tôi luôn đến được “đích” mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.
Phân khúc xe bán tải tại Việt Nam đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi có sự cạnh tranh quyết liệt giữa những “tên tuổi” lớn. Vì thế, việc xác định rõ đối tượng và “chiều lòng” khách hàng là “bước đi” quan trọng để giành giật thị phần.
Với Hilux, Toyota đã làm rất tốt điều đó khi đưa ra mức giá mới rất cạnh tranh và hướng mục tiêu đến những người dùng thực dụng. Xe bán tải mà vừa đẹp, vừa tiện nghi, vừa mạnh mẽ, lại còn rất tiết kiệm nhiên liệu và mức giá cực kì hợp lý thì việc khách hàng chịu móc “hầu bao” ra để “rinh” xe về là lẽ đương nhiên.
Thông số kỹ thuật của Toyota Hilux G 2.8 AT 2016
Thế Đạt (Trithucthoidai)
Ảnh: Lê Hùng
Giá bán: 458,000,000đ
Giá bán: 545,000,000đ
Giá bán: 755,000,000đ
Giá bán: 650,000,000đ
Giá bán: 498,000,000đ